Chấp nhận sống kham khổ, người đàn ông có tấm lòng hiếu thảo với mẹ cha ở quê đã dành dụm tiền gửi về phụng dưỡng.
Câu chuyện về anh Thạc Chí Dũng (35 tuổi) đã khiến nhiều người cảm động. Anh phải sống tha phương cầu thực ngay từ bé do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Càng xa nhà, nỗi nhớ bố mẹ càng cao ngút ngàn nên khiến anh yêu thương, ra sức báo hiếu.
Công việc hàng ngày của anh là bốc dỡ hàng hóa thuê cho công ty hậu cần với mức lương khoảng 3.000 tệ (hơn 10 triệu đồng). Thay vì chi xài cho bản thân, anh Dũng quyết định sống tiết kiệm, cố gắng dành dụm càng nhiều càng tốt để gửi về bố mẹ.
Đặc biệt, để tiết kiệm khoản tiền thuê nhà khoảng 340.000 đồng hằng tháng, anh Dũng đã quyết định dọn vào sống trong một cái hang trên núi. Toàn bộ số tiền anh kiếm được từ công việc bốc vác nặng nhọc đều được gửi về quê nhà cho bố mẹ để họ đỡ vất vả tuổi xế chiều.
Nghẹn ngào khi biết được trong những lần liên lạc về nhà, anh Dũng đều nói dối đang sống trong một khu nhà nghỉ sang trọng và cảm thấy rất thoải mái. Chắc chắn, chẳng bố mẹ nào yên lòng khi biết con sống khổ cực, thiếu thốn để gửi tiền về nhà bởi thế anh Dũng đã dối bố mẹ để họ an tâm. Để bố mẹ già có cuộc sống tốt hơn, người con này chấp nhận khổ cực một chút cũng vui lòng. Dù gì, anh còn trẻ, sức khỏe và độ chịu đựng vẫn còn cao nên nhường ấm êm cho bố mẹ già ở quê nhà.
Nói dối với bố mẹ còn trong thực tế, điều kiện sống ở hang núi rất khó khăn và nguy hiểm. Mọi vật dụng gần như đều tối giản, chỉ những gì thật sự thiết yếu mới được anh sắm sửa. Trong hang núi làm sao có thể an toàn khi mọi hiểm nguy từ thú dữ rình rập, chưa kể lại tách biệt với mọi người xung quanh nên trót có gì bất trắc cũng chẳng biết kêu cứu ai.
Dù cuộc sống thiếu thốn, điều kiện rất tệ nhưng anh Dũng lại có suy nghĩ lạc quan. Nghe anh chia sẻ về những khó khăn mà vừa thương vừa nể: “Ở đây cũng tốt mà, mùa đông thì ấm, mùa hè thì không cần điều hòa, không cần điện. Đêm đến có thể ra ngoài nhìn bầu trời đầy sao, ở trọ thì làm sao có thể thấy được. Khổ một chút, mà bố mẹ có cuộc sống tốt hơn thì tôi luôn mong mình khổ suốt đời”.
Anh tự tìm niềm vui, an ủi trong cảnh chật vật, túng thiếu của bản thân. Sống trong nghèo nhưng không than, ở trong cảnh túng nhưng không bần. Bởi lẽ, động lực và sức mạnh giúp người con trai này sẵn sàng đối diện bất kì nghịch cảnh nào chính là bố mẹ già ở quê. Đó giờ nghe chuyện bố mẹ thương con đến quên mình đã quen thuộc, giờ có trường hợp con trai sống tình cảm biết nghĩ cho bố mẹ, chấp nhận sống khổ nên nghẹn lòng!
Tuy nhiên, quyết định dọn vào núi sinh sống của anh Dũng cũng có phần nguy hiểm, đánh đổi an nguy để tiết kiệm một chút tiền. Thử hỏi, bố mẹ ở quê khi biết con phải khổ cực thì tiêu xài đồng tiền gửi về cũng chẳng vui vẻ. Thiết nghĩ, có muốn báo hiếu với bố mẹ thì trước tiên phải biết tự chăm lo bản thân, sống an toàn, khỏe mạnh. Khi bản thân khỏe mạnh thì chúng ta mới có thể chăm lo, báo hiếu cho cha mẹ về lâu về dài.
Nghe chuyện này mới thấm thía thêm một điều, rằng những người đàn ông thường bị gán là sống khô khan nhưng hóa ra họ lại tình cảm và biểu lộ theo những cách riêng. Chim có tổ, người có tông. Dù có tha phương xa xôi cỡ nào nhưng trong trái tim của họ luôn có bố mẹ già ở quê, có nỗi nhớ nhà thường trực và chấp nhận sống khổ, sống thiếu miễn sao bố mẹ có thể vui vẻ, an hưởng tuổi xế chiều.
Tổng hợp
Nhật Linh